v chn cũ

Phm Cao Hoàng

Truyện thật của tác giả

Viết tiếp câu chuyện MƠ CÙNG TÔI GIẤC MƠ ĐÀ LẠT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

 

Chuyến đi chỉ có ba tuần mà chúng tôi phải chuẩn bị  đến gần ba tháng.  Có  nhiều  thứ  để chuẩn bị,  nhưng quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của Cúc Hoa. Cúc Hoa dành nhiều thời gian để tập đi bộ và leo dốc.  Kết quả  chụp X-ray trong lần tái  khám sau cùng cho thấy chỗ xương bị rạn đã lành hẳn. Bước đi chưa nhanh, nhưng đã lấy lại được sự thăng bằng cần thiết.  Như vậy là có thể an tâm lên đường. Ngày nào chúng tôi cũng  bàn với nhau về những thứ cần mang theo, những nơi cần phải đến, những người cần phải thăm. Hơn mười năm rồi. Nhớ từng con đường, từng góc phố, từng khuôn mặt thân thương. 

 

Đêm trước ngày lên đường, chúng tôi thức trắng. Cả nhà rộn ràng như đêm giao thừa. Sau những tháng năm chờ đợi, hôm nay chúng tôi trở lại quê nhà.

 

Chúng  tôi  đi  máy  bay  của  hãng hàng không Korean Air, lộ trình VirginiaSeoul và  Seoul – Sài Gòn.  Từ Virginia đến Seoul mất 13 tiếng,  và từ  Seoul về Sài Gòn thêm 5 tiếng nữa. Korean Air để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp vì đội ngũ tiếp viên rất  lịch sự và chu đáo. Đường xa, tưởng là mệt lắm, nhưng chẳng mệt gì cả. Định lên máy bay sẽ ngủ bù, nhưng rồi cũng không ngủ được. Cứ dán mắt vào màn hình trước mặt, theo dõi lộ trình chuyến bay xem đã  đến đâu, còn bao lâu nữa thì tới. Khoảng cách cứ thu lại dần, cho đến khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Incheon, Nam Hàn, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhỏm. Đoạn đường xa nhất đã vượt qua. Còn 5 tiếng nữa thôi, sắp về tới  nhà rồi.

 

9.1.2012, gần nửa đêm, chúng tôi về tới Tân Sơn Nhất. Làm thủ tục nhập cảnh xong, chúng tôi tìm đến chỗ nhận hành lý. Đồ đạc chúng tôi mang theo khá nhiều nên cũng hơi lo, không biết có cái nào bị thất lạc hay không. May quá, không có cái nào bị thất lạc. Chúng tôi nghỉ qua đêm tại một khách sạn nhỏ ở Sài Gòn, và chiều hôm sau  đã có mặt ở Tuy Hòa.

 

Tuy Hòa là một thành phố biển nằm giữa Nha Trang và Qui Nhơn, nơi tôi sống suốt thời gian theo học bậc trung học. Rời phi trường Đông Tác, chúng tôi đi nhanh một vòng trong thành phố. Tôi muốn thấy lại chiếc cầu 21 nhịp mà hồi đó tôi gọi là những nhịp cầu đen buồn bã. Tôi muốn nhìn lại ngôi trường Nguyễn Huệ, nơi đầy ắp những kỷ niệm của tuổi học trò.

 

Chúng tôi chỉ có một tuần ở Tuy Hòa. Tôi dành hết khoảng thời gian này để về Phú Thứ thăm mồ mả ông bà, thắp mấy nén nhang cho cha mẹ tôi, và ở lại trong căn nhà thời thơ ấu. Xe chạy về Phú Thứ trên con đường quen thuộc, dọc theo mương dẫn thủy của đập Đồng Cam, dọc theo những cánh đồng thơm ngát mùi hương của đất.

 

mùi hương của đất làm con nhớ

những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn

cha đã vì con mà nhỏ xuống

cho giấc mơ đời con thêm xanh

 

mùi hương của đất làm con tiếc

những ngày hoa mộng, thuở bình yên

nồi cá rô thơm mùa lúa mới

và tiếng cười vui của mẹ hiền

 

Tôi mơ hồ thấy bóng cha tôi đang cúi xuống trên đồng ruộng,  mồ hôi nhễ nhại,  thấy bóng mẹ tôi thấp thoáng sau bếp,  loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều.

 

Cũng như nhiều gia đình  khác ở miền nam, sau 1975, anh em tôi sống tản mác  nhiều nơi, người sang Pháp, người qua Mỹ, người ở lại quê nhà. Chị Ba, chị Bốn, Tâm và Bảo là những người ở lại.  Suốt những ngày ở đó, mấy chị em cứ quấn quít bên nhau. Chúng tôi có những bữa ăn nơi chiếc bàn mà ngày xưa cả nhà thường quây quần trong bữa cơm chiều. Chúng tôi có những buổi tối ngồi trước hiên nhà chuyện vãn đến hai ba giờ sáng.

 

Tôi ra dòng sông Ba phía sau nhà, ngồi bên bờ sông mà lòng bồi hồi xúc động. Dù sao tôi vẫn còn may mắn có một quê nhà  để mà trở lại, có một dòng sông để ngồi nhớ tuổi thơ mình.

 

Không về thì thôi, đã về thì phải gặp người này một chút, người kia một chút cho vui. Đất lề quê thói mà. Do vậy, Bảo đưa tôi đi chào hỏi bà con. Trời mưa lai rai cả ngày, nhưng đi thì cứ phải đi. Phước Bình, Phước Mỹ, Phú Nhiêu, Hòa Mỹ, Phú Thứ, Mỹ Lệ…Bà con nội ngoại chằng chịt, thật tình tôi không nhớ hết. Tôi đùa với Bảo, “ Chú đưa  đi đâu thì anh đi đó, bảo chào ai thì anh chào”.

 

Một tuần qua thật nhanh. Chưa kịp gì cả thì lại đến ngày phải ra đi. Không biết đây là lần thứ mấy tôi phải từ giã nơi này. Cứ mỗi lần ra đi, tôi lại nhớ đến đôi mắt của mẹ tôi. Lần nào cũng vậy,  bà cứ cầm lấy bàn tay tôi,  “Đi đâu thì đi, nhưng lâu lâu nhớ về nghe con”. Ngày cuối cùng, tôi cứ nhìn đi nhìn lại căn nhà thời thơ ấu của mình, nhìn đi nhìn lại khuôn mặt của những người thân yêu trong gia đình. Chỉ lát nữa đây thôi, tất cả chỉ còn trong trí nhớ, chưa biết bao giờ mới gặp lại nhau.

 

 

2

 

Trở lại Sài Gòn, chúng tôi có một đêm dành riêng cho nhóm bạn cũ ở Đà Lạt: Trần Minh Triền, Lan Khanh, Phan Bá Chức, Duy Thoán, Hồng Nam, Nguyễn Khắc Nhượng. Thời ở Đà Lạt, chúng tôi sinh hoạt chung trong ca đoàn TIẾNG NÓI, và Phan Bá Chức là linh hồn của ca đoàn.

 

Ngoài hai mươi tuổi, Chức đã có thể dàn dựng và điều khiển những bản hợp xướng lớn như TRƯỜNG CA SÔNG LÔ, KHÚC HÁT SÔNG THAO… với hàng trăm người hát. Chúng tôi gọi Chức là tự điển nhạc vì Chức thuộc và nhớ nhạc và lời của rất nhiều bài hát. Nhớ đến mức đáng ngạc nhiên. Chức có thói quen khi hát cứ nhắm nghiền mắt lại, thả hồn theo dòng nhạc.

 

Lâu lắm rồi mới được nghe lại giọng hát của các bạn tôi. NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI, TÌNH QUÊ, TÌNH HOÀI HƯƠNG… Tiếng hát của các bạn làm tôi nhớ vô cùng những ngày tháng cũ. Nhớ những đêm lang thang ngoài khu Hòa Bình với Nhượng, ấm lòng với một ly sữa đậu nành. Nhớ những tối ở nhà Chức Lĩnh nghe Chức hát những ca khúc trong tập  BẦY CHIM XƯA ĐÃ TRỞ VỀ. Nhớ những sớm sương mù quyện với khói cà phê ở  nhà Triền Khanh, Đơn Dương.

 

Các bạn đều ngạc nhiên khi thấy Cúc Hoa đi lại bình thường, nói cười vui vẻ. Triền và Khanh cứ suýt xoa, “Hoa khỏe rồi, mừng quá. Bọn mình cứ nghĩ là sau tai nạn Hoa còn thê thảm lắm”.

 

Chức hát tặng Cúc Hoa bài ĐỒI THÔNG của Y Vân. Đây là bài hát Hoa rất thích.

 

ngồi trên đồi vắng, bên gốc cây thông già

nhìn  theo  dòng  suối  trôi dưới chân đồi…

ôi ngày xưa ấy đã qua

tôi nhìn thơ ấu ra đi

như nhìn ai đó xa lạ

một ngày một vắng…

mịt mờ…

 

Nhượng đọc một bài thơ Nhượng viết năm 1973 khi xuống thăm tôi ở Trạm Hành, Đơn Dương. Ngày xưa, đi xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt, hành khách phải qua nhiều trạm, trong đó có Trạm Hành, nằm ở phía trên Đơn Dương một chút. Bài thơ làm tôi nhớ Trạm Hành với rừng tiếp rừng, với một trời sương trắng phủ mùa đông, với những bông quì vàng nở rộ khi tháng chạp về, và hình ảnh chị Tư cùng bạn bè tôi trong những lần tìm đến chốn này.

 

Một đêm hội ngộ tuyệt vời. Tôi thật sự xúc động khi được sống lại những giây phút êm đềm của âm nhạc, thi ca, và tình bạn.

 

Hôm sau,chúng tôi về Đà Lạt bằng máy bay  của Vietnam Airlines,chuyến 7 giờ sáng. Nôn nao với chuyến đi nên  mới 5 giờ sáng chúng tôi đã  có mặt ngoài phi trường.

 

16.1.2012, 8 giờ sáng, chúng tôi về tới phi trường Liên Khương.   Đà Lạt hiện dần ra trước mắt. Thác Prenn. Cây xăng Kim Cúc. Bờ hồ. Khu Hòa Bình… Cúc Hoa nắm chặt bàn tay tôi, ngơ ngác nhìn cảnh vật hai bên đường.

 

Đầu tiên chúng tôi về thăm căn nhà của gia đình  Hoa ở đường Hai Bà Trưng. Cúc Hoa vào lạy bàn thờ ông bà, lững thững ra đứng ngẩn ngơ trước cổng, rồi lại trở vào nhìn dòng suối nhỏ ở phía sau nhà. Căn nhà cũ đã phá đi và xây dựng lại. Khung cảnh khác rất nhiều, nhưng có một thứ vẫn còn nguyên vẹn: bức tranh sơn dầu vẽ một chậu hoa, hồi xưa treo ở phòng khách. Mọi người trong gia đình rất quí bức tranh này, vốn được vẽ trong thời chiến tranh, do một người lính hải quân Mỹ vẽ và tặng cho anh Quang Mỹ, người anh cả của Hoa.                          

 

Các em của Hoa, Hương và Tùng, đưa chúng tôi và Ánh, Trung  đi thăm mộ người thân. Tội nghiệp cho Hoa: muốn thắp  cho cha mẹ mình một nén nhang nhưng không biết thắp ở đâu. Cha mẹ Hoa đều qua đời ở Mỹ. Nhiều người Việt ở Mỹ  được hỏa táng sau khi chết, tro được rải xuống Đại Tây Dương, hy vọng rằng một ngày nào đó xác thân sẽ trôi giạt về Thái Bình Dương, tìm về chốn cũ. 

 

Buổi chiều, chúng tôi  ra đường Võ Tánh, bây giờ là đường Bùi Thị Xuân, đến chỗ quán Lục Huyền Cầm ngày xưa, tiện thể ghé thăm Kim Huê luôn. Nhà cửa bây giờ kín mít suốt dọc con đường nhưng chúng tôi vẫn có thể nhận ra vị trí của quán một cách dễ dàng.

 

Chúng tôi đi qua đi lại mấy lần, bồi hồi nhớ lại đêm thơ nhạc đã đưa chúng tôi đến với nhau. Hồi đó, Lê Uyên – Phương là một hình ảnh rất lý tưởng đối với  tuổi trẻ chúng tôi. Còn gì đẹp và lãng mạn hơn khi Phương đàn và Lê Uyên hát những ca khúc của Phương trong không gian mờ ảo của Lục Huyền Cầm, và trong khi hát họ cứ  đắm đuối nhìn nhau. Tôi mê nhất là những lúc họ nhìn nhau.

 

Hôm ấy,  Cúc Hoa  đến Lục Huyền Cầm dự đêm thơ nhạc theo lời mời của tôi.  Sau khi kết thúc, tôi đưa Hoa về. Trên đường về, chúng tôi đi bộ vòng qua Khu Hòa Bình, ghé lại chỗ đường Đoàn Thị Điểm ăn nhẹ một chút rồi chia tay. Kể từ hôm đó, Cúc Hoa đi bên cạnh cuộc đời tôi cho đến bây giờ.

 

Chúng tôi đi bộ dọc theo đường Hàm Nghi, ghé  cà phê Tùng. Hồi đó, nếu đi với bạn bè, chúng tôi đến quán Domino ở đường Phan Bội Châu, còn đi với Cúc Hoa thì vào cà phê Tùng hoặc Thủy Tạ. Cà phê Tùng ngon nổi tiếng, và đá chanh thì tuyệt, pha bằng một loại chanh có mùi thơm rất đặc biệt. Bây giờ loại chanh ấy không còn. Chúng tôi vào,   lặng lẽ ngồi vào chỗ ngày xưa chúng tôi vẫn thường ngồi, gọi hai thứ mà hồi đó chúng tôi hay gọi. Ở chỗ ngồi này, chúng tôi đã có những giây phút tuyệt vời thuở mới quen nhau. Những chiếc ghế da dọc theo tường vẫn còn đó, nhưng tiếng hát Christophe thì không còn. Christophe, ca sĩ người Pháp, một thời làm tuổi trẻ chúng  tôi   ngây ngất  với Main dans la main, Aline, Mal, Maman, Je suis parti, Oh mon amour… bây giờ cũng đã thành dĩ vãng.Biết chúng tôi là những người đi tìm kỷ niệm, anh Thông, chủ nhân cà phê Tùng, ân cần tiếp chuyện, hướng dẫn nên chụp hình ở góc nào, kể cho nghe những bước thăng trầm của quán, nhất là  giai đoạn sau 1975.

 

Rời cà phê Tùng, chúng tôi tiếp tục thả bộ ra hồ Xuân Hương, ngồi bên bờ hồ, nhìn sang cầu Ông Đạo... Buổi chiều thật êm đềm với một chút sương mù đang nhẹ nhàng phủ xuống. Lòng chúng tôi cũng vô cùng nhẹ nhàng như khói sương kia. Đây là những phút giây hiếm hoi trong đời sống chúng tôi nhiều năm qua.

 

rồi có lúc trở về chốn cũ

đi cùng em giữa Đà Lạt sương mù

hát cùng em bài tình ca thuở ấy

tìm lại dấu chân mình trên những lối đi xưa

 

Khi chúng tôi ghé vào Thủy Tạ thì bên ngoài trời đã tối hẳn. Trời không lạnh lắm. Chúng tôi chọn một chiếc bàn cạnh lan can nhìn xuống mặt hồ. Hồi ấy chúng tôi thường lang thang trên Đồi Cù, đi dọc theo  hồ Xuân Hương, rồi ghé vào đây. Thủy Tạ bây giờ không khác hồi xưa bao nhiêu. Tôi gọi cho mình một ly Hennessy và một ly cà phê sữa cho Cúc Hoa. Đây là chỗ dừng chân cuối cùng trong ngày nên chúng tôi ở lại lâu hơn.

 

Một ngày thật trọn vẹn với chúng tôi khi trở về Đà Lạt. 

 

Từ Virginia, Thiên Kim, Anh Kim, Quỳnh Anh vẫn theo dõi chuyến đi của chúng tôi,  gọi điện thoại về hỏi han mọi chuyện.

 

- Ba má đang ở đâu?

- Đang ở ngoài đường.

- Ba má đã đến những chỗ cần phải đến chưa?

- Đến rồi.

- Má sao rồi?

- Má rất vui và khỏe.

- Ba má gặp cô Kim Huê chưa?

- Gặp rồi.

- Tìm cô Huê có dễ không?

- Cũng không khó lắm.

 

Kim Huê là bạn thân của Cúc Hoa hồi còn đi học. Nhà Huê ở gần quán Lục Huyền Cầm.Ngoài Thuần ra, Huê là người biết nhiều về những kỷ niệm của chúng tôi hồi đó. Sau 1975, Huê vượt biên sang Mỹ, tìm gặp lại người yêu đã sang trước bên đó. Hai người kết hôn và có với nhau ba đứa con. Khi chúng tôi mới đến Mỹ, vợ chồng Huê đã có một cuộc sống khá ổn định, làm chủ hai nhà hàng ở California. Thấy chúng tôi chân ướt chân ráo, còn lúng túng về công ăn việc làm nơi xứ lạ quê người, Huê ngỏ ý muốn giúp đỡ, nói cứ sang Cali rồi Huê sẽ lo liệu mọi việc cho.

 

Kim Huê mua vé máy bay gửi cho chúng tôi, nhưng đúng vào ngày chúng tôi  lên đường sang Cali thì xảy ra vụ khủng bố September 11. Chuyến bay của chúng tôi bị hoãn lại, và chúng tôi không thể đến Cali  như dự định. Sau đó, chúng tôi tìm được việc làm ở Seattle nên thôi không sang chỗ Huê nữa, nhưng vẫn nhớ mãi tấm lòng của Huê dành cho chúng tôi trong lúc khó khăn.

 

Một thời gian sau, Huê thường gọi điện thoại cho Hoa tâm sự rằng cuộc sống gia đình bắt đầu sóng gió. Tưởng mọi chuyện rồi sẽ qua, không ngờ tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn dẫn đến việc hai người phải chia tay. Huê  buồn rầu và lâm bệnh nặng, không còn khả năng tự chăm sóc mình. Gia đình  Huê phải đưa Huê về Đà Lạt để chăm sóc. Nhiều lần Cúc Hoa gọi về  thăm Huê nhưng không trò chuyện được vì Huê đã mất khả năng giao tiếp.

 

Khi chúng tôi vào, Huê chỉ ngồi im lặng, khuôn mặt ngơ ngác, thất thần, hoàn toàn không bộc lộ cảm xúc, không mừng rỡ khi gặp lại người quen. Hỏi người thân thì mới biết Huê sống một đời sống gần như thực vật.

 

Trang, cháu của Huê, hỏi:

-         Cô Huê ơi, có nhớ ai đây không?

Khó khăn lắm Huê mới ú ớ được một tiếng:

-         Hoa.

Trang hỏi tiếp:

-         Hoa nào? Ở đâu?

Một lần nữa, hết sức cố gắng, Huê nói:

-         Hai Bà Trưng.

 

Cầm tay Huê, Cúc Hoa khóc, “Sao lại như thế này, Huê ơi!”.

 

Ngày xưa, Huê cũng một thời áo trắng Bùi Thị Xuân cùng với Thúy Nga, với Thuần, với Cúc Hoa, và một thời lãng mạn cùng núi đồi Đà Lạt. Huê đã có một mối tình thật đẹp, vượt đại dương, đạp sóng dữ, liều chết để tìm lại người yêu của mình. Không ngờ mọi thứ lại kết thúc với Huê một cách buồn thảm như thế này. Chúng tôi gửi một chút quà cho Huê, góp một phần nhỏ cùng gia đình chăm sóc Huê, và tự nhủ lòng sẽ còn trở lại với Huê nhiều lần nữa.

 

 Ngày tiếp theo, chúng tôi xuống Đức Trọng thăm chị Tám, người  đã cưu mang chúng tôi trong những năm chúng tôi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.

 

Hồi ấy, chị Tám và năm đứa con còn trong độ tuổi đi học sống trong một căn nhà không lớn lắm. Chồng chị chết sớm, và chị ở vậy nuôi con. Chị hiền lành, phúc hậu, và tốt bụng vô cùng. Chị ngăn vách , làm một chỗ ở cho Cúc Hoa và tôi, có bếp và lối đi riêng. Chị không cho chúng tôi đóng góp bất cứ khoản tiền bạc nào trong suốt những năm tháng ở đó. Chị giúp chúng tôi có thêm việc làm, dành dụm để sau này có thể mua  nhà.  Sáu năm sau, chúng tôi mua được căn nhà đầu tiên của mình.

 

Người xưa nói, “Ở hiền gặp lành”, nhưng chị Tám ở hiền mà không gặp lành. Cách đây gần 20 năm, trong  một lần thăm bà con ở Bình Thuận, xe đò bị lật. Chị  gãy cột sống, và từ đó đến nay hai chân bị liệt, phải di chuyển bằng xe lăn. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn mong có một lần gặp lại chị. Tội nghiệp chị, gần hai mươi năm phải ngồi một chỗ, đau khổ biết chừng nào.

 

Chúng tôi muốn dành cho chị một sự bất ngờ nên không báo trước. Vừa bước vào nhà, chị nhận ra ngay, trố mắt nhìn rồi bật khóc, “Hai em về hồi nào?  Chị không ngờ có ngày gặp lại hai em”. Chị hỏi thăm rất nhiều về Thiên Kim, vì Thiên Kim lớn lên trong căn nhà của chị. Nhìn chị ngồi trên xe lăn, thấy thương chị quá. Tôi ước gì  có một phép màu làm cho đôi chân của chị bình thường trở lại. Nhớ lại tai nạn đã xảy ra cho Cúc Hoa hồi tháng ba năm ngoái, tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn.  Từ sự may mắn đó, chúng tôi thấy mình cần phải chia sẻ nhiều hơn  những bất hạnh của người khác, nhất là bạn bè và người thân của mình. Chia tay chị mà lòng buồn vời vợi. Lên xe rồi, vẫn ngoái đầu nhìn lại. Chị ngồi trên xe lăn, vẫy tay, nước mắt lưng tròng.

 

Những ngày tiếp theo, chúng tôi tiếp tục lang thang  cùng khói, cùng sương, cùng núi đồi Đà Lạt. Ngày của chúng tôi bắt đầu bằng chỗ ngồi ở cà phê Tùng, sau đó vòng xuống bờ hồ, rồi tiếp tục đi. Đi đâu cũng được, miễn là Đà Lạt.

 

Chúng tôi tìm đến những con đường mà hồi đó có nhiều kỷ niệm.Duy Tân, Minh Mạng, Yersin, Phan Đình Phùng…  Phan Đình Phùng là con đường chúng tôi nhớ nhiều nhất. Đường này song song với đường Hai Bà Trưng. Từ nhà Cúc Hoa  sang đây có một lối đi tắt rất gần, và tôi thường đón Cúc Hoa ở đó. 

 

Chúng tôi chỉ có một tuần ở Đà Lạt, nên  Đà Lạt rất gần mà cũng rất xa. Chúng tôi nâng niu từng ngày còn lại, cứ sợ ngày sẽ qua mau. Chúng tôi đi bộ nhiều,  lên những bậc tam cấp rất cao, nhưng Cúc Hoa không thấy mệt, dấu hiệu cho thấy sức khỏe đã khá ổn định. Đây là điều tôi mừng nhất. Chúng tôi đã tìm lại được những thứ cần phải tìm, đi được những nơi cần phải đi, đến được những nơi cần phải đến, thăm được những người cần phải thăm.

 

Giờ thì đã đến lúc phải chia tay  Đà Lạt. Chia tay những con đường in dấu chân xưa . Chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói. Chia tay mây trời và  gió núi Lang Biang. Mong bình yên đến với Huê và những người ở lại.  Mong một ngày về dù chưa biết khi nào.

 

Xe xuống đèo Prenn. Đà Lạt lùi dần về phía sau. Trong tôi bồi hồi một cảm xúc buồn vui lẫn lộn, còn Cúc Hoa thì mơ màng nhìn qua cửa xe, mắt đỏ hoe. Chợt nhớ hai câu thơ của Trần Hoài Thư.

 

khi về biết chở gì theo.

chở theo vạt nắng trên đèo vào xe

 

Ừ, thì chở theo chút nắng vàng của Đà Lạt về nơi viễn xứ, sưởi ấm lòng mình trong những ngày tháng tha phương…

 

Phạm Cao Hoàng

Virginia, March 2012

Ghi chú:

Tên các nhân vật trong truyện là tên thật